Qua giám sát trên báo cáo của cơ quan BHXH tỉnh Cà Mau cho thấy, toàn tỉnh có 1.124 đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập, đảng, đoàn đã tham gia đóng BHXH cho 30.285 người lao động đạt 100%. Riêng khối doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh... có 2.500 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 283 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia đóng BHXH cho người lao động. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp trích lương của người lao động hàng tháng, nhưng chiếm dụng đến cuối quí hoặc 6 tháng, cả năm mới trích nộp vào quỹ BHXH.
Riêng năm 2010 có 159 đơn vị nợ BHXH với số tiền 17.274.840.715 đồng; có đơn vị nợ gần 1 tỷ đồng.
Tình trạng không, chậm đóng, nợ BHXH xảy ra trong tỉnh với các mức độ khác nhau nhưng các ngành chức năng trong tỉnh Cà Mau chưa kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, khởi kiện. Việc thống kê số đơn vị có sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn phải tham gia BHXH bắt buộc còn chậm, dẫn đến tình trạng còn khá nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa tham gia BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Qua 4 năm thực hiện Luật BHXH, hiện nay vẫn còn một số quy định của Luật chưa có văn bản hướng dẫn, hoặc có hướng dẫn nhưng chưa rõ, một số nội dung còn bất cập, thậm chí còn mâu thuẫn và chưa phù hợp với thực tiễn, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện của cơ quan BHXH, đơn vị sử dụng lao động. Tính ổn định của chính sách BHXH chưa cao, một số chế độ thường xuyên sửa đổi, bổ sung.
Trần Thanh Nhàn